Điểm báo tuần từ ngày 05/8 đến ngày 11/8 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Lượt xem: 13
 
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Theo tin từ TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và một số báo (05/8) Công an tỉnh Sơn La quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Hà Văn Phúc, nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ về tội “Giả mạo trong công tác”. Theo điều tra, tháng 7/2022, Phúc “bắt tay” với Phan Cao Cường, nhân viên một công ty tư nhân tại Hà Nội làm khống hồ sơ giải quyết thủ tục về đất đai, giúp họ sử dụng để chứng minh năng lực Công ty nhằm xin đầu tư dự án trên địa bàn xã. Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phan Cao Cường về tội “Giả mạo trong công tác”.
 
    Tạp chí Giáo dục Việt Nam (06/8) đưa tin, theo đơn phản ánh của độc giả về dấu hiệu cho thấy ông Lê Đình Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có dấu hiệu vi phạm các điều đảng viên không được làm. Tuy nhiên, việc xử lý của cơ quan thẩm quyền khiến độc giả băn khoăn. Liên quan đến nội dung này, theo thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải ngày 01/8/2024 nêu, sau khi nhận phản ánh, Bộ Y tế đã giao Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ phối hợp kiểm tra, xác minh; sau đó, Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành văn bản nêu rõ việc ông Lê Đình Cường thực hiện kê khai bổ sung chưa đúng quy định. Sau khi nhận thông tin báo chí nêu, ông Lê Đình Cường đã chủ động, tích cực phối hợp, giải trình và cam kết thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập bổ sung và giải trình đầy đủ biến động của nguồn gốc tài sản... 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (06/8) đưa tin, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an cùng các lực lượng chức năng, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang Sung Văn Hơ và Hơ Văn Gia, trú tại bản Cơm, xã Pù Nhi và Thao Chứ Ly, bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát đang vận chuyển trái phép chất ma túy, có trọng lượng khoảng 32kg. Mở rộng chuyên án, Công an tỉnh tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Tính, tại chung cư Times City thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội và phát hiện, thu giữ thêm 2kg ma túy.
 
    Theo Đài THVN và một số báo (07/8) đưa tin, Công an tỉnh Bình Dương khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Sơn Phà La, thường trú tại tỉnh Sóc Trăng và Hoàng Mạnh Hùng, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Gia Lai để điều tra làm rõ hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Theo điều tra, từ tháng 9/2023, La và Hùng lập kênh TikTok, Zalo và Youtube đăng tải các video có nội dung cảnh báo vấn nạn bị lừa khi xin việc tại Campuchia và nhận chuộc người đưa về Việt Nam. Khi gia đình, người thân của các nạn nhân liên hệ nhờ chuộc người, La và Hùng gửi thông tin cho một người ở Campuchia, sau đó chuộc người và tổ chức đưa người nhập cảnh về Việt Nam trái phép. Đã có 23 người được nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Dân trí, Lao động và một số báo (07/8) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố 18 bị can trong vụ án hình sự “Đánh bạc; Tổ chức đánh bạc” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố; đồng thời, quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 05 đối tượng về tội “Tổ chức đánh bạc”. Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam khám xét chỗ ở đối với 04 đối tượng về tội “Đánh bạc”, trong đó, có ông Hồ Đại Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; Ngô Ngọc Đức, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hòa Bình. TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân Dân và các báo (07/8) thông tin thêm, Cơ quan điều tra bắt tạm giam đối với ông Ngô Ngọc Đức, nguyên Bí thư Thành ủy Hòa Bình về hành vi đánh bạc trái phép. Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất để ông Ngô Ngọc Đức thôi giữ các chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chức danh Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 theo nguyện vọng cá nhân, liên quan đến một việc khác về trách nhiệm nêu gương người đứng đầu.
 
    Theo tin từ báo Công lý, Thanh niên, Lao động, Tiền phong, VietNamNet, Pháp luật Việt Nam, Báo mới và một số báo (07/8) Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa quyết định khởi tố bị can đối với: Nguyễn Thị Thủy, Trưởng khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Hoằng Hóa; Lê Nguyên Hùng, Phó Trưởng khoa Đông y; Lê Thị Thương, Điều dưỡng; Nguyễn Thị Thanh, Điều dưỡng để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vấn đề trục lợi bảo hiểm.
 
    Các báo (08/8) đưa tin, tại Kỳ họp thứ 45, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã đề nghị xem xét, kỷ luật Cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021, 2021-2026; Đảng đoàn HĐND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021-2026; Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt nhiệm kỳ 2020-2025 và một số cá nhân có liên quan. Khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020-2025 và các cá nhân liên quan; đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025; Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và các cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và một số nội dung quan trọng khác… Cùng ngày, các báo thông tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc và lãnh đạo nhiều tỉnh (Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cà Mau). Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các ông: Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hồ Đại Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; Thái Hồng Công, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn; Hồ Đức Hợp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Yên Bái; Nguyễn Kim Thoại, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Lê Quang Vinh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Quốc Định, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau. 
 
Quang cảnh Kỳ họp
Quang cảnh Kỳ họp
    TTXVN (08/8) có bài, “Quy định 144-QĐ/TW: Yếu tố then chốt để giữ vững cơ đồ đất nước”. Bài báo cho biết, Quy định số 144-QĐ/TW đã nêu rõ chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, có vai trò như thước đo, là “kim chỉ nam” cho mỗi cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện ý chí phấn đấu, tự lực, tự cường. TTXVN (09/8) tiếp tục phản ánh, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là bước cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
    
    Báo Thanh niên, VietNamNet, Dân Việt và một số báo (08/8) đưa tin, vụ bất thường điểm thi vào lớp 10, sau khi bà Phạm Thị Duyên (trú tại xã Nam Hồng, H.Tiền Hải, Thái Bình) có đơn tố cáo ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, cùng những người liên quan đến công tác tuyển sinh trong kỳ thi vào lớp 10 vừa qua để xảy ra tình trạng xuất hiện nhiều đơn phúc khảo và kết quả phúc khảo điểm thi cao bất thường so với điểm thi trước đó, để đảm bảo an toàn cho tính mạng người tố cáo, bà Duyên tiếp tục có đơn đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo, để bảo vệ cho bản thân và gia đình bà.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN, báo Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao động, Tiền phong, Thanh tra, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, SGGP, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Người Lao động, Dân trí (09/8) đưa tin, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ Chính trị họp Phiên thường kỳ để bàn, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng. Bộ Chính trị tập trung ưu tiên giải quyết Nhóm các đề án trình Hội nghị Trung ương 10 và những Hội nghị Trung ương tiếp theo; Nhóm các đề án cần tập trung giải quyết để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp; ổn định chính trị, xã hội, tạo sự phấn khởi của nhân dân trong lao động sản xuất và đời sống. Bộ Chính trị cần có quyết sách cho những vấn đề phát sinh với phương châm “lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân là trên hết và trước hết”. Các báo thông tin thêm, Bộ Chính trị họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng có vi phạm, khuyết điểm. Theo đó, quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.
 
    Báo Người Lao động, Baomoi.com và một số báo (09/8) đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã xem xét, (đề nghị) thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên. Cụ thể, thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông: Trương Thanh Phong, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam; ông Phong phải chịu trách nhiệm về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng khu đất tại địa chỉ số 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4. Ông Nguyễn Hồng Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; ông Phú đã bị Tòa án nhân dân Thành phố xử phạt 3 năm 6 tháng tù, về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Nguyễn Quang Thông, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Trung ương Đoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy cơ sở phía Nam Cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh niên; ông Thông đã để xảy ra lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước liên quan đến khu đất số 151-155, Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4. Ông Đỗ Cao Đài, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Tây Sài Gòn do để xảy ra sai phạm, gây thiệt hại cho Chi nhánh Ngân hàng. Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Lê Duy Minh, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có hành vi nhận hối lộ.
 
    TTXVN, Đài TNVN, báo Công an nhân dân, Thanh tra, Thanh niên, Tiền phong, Pháp luật TP.HCM, Dân trí, Quảng Ninh (09/8)  đưa tin, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch HĐND tỉnh và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV đối với ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Ký thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
 
    Các báo (11/8) đưa tin, Lê Minh Trí, tức Trí “Cá Voi” cùng mẹ ruột Nguyễn Ngọc Hà; Thái Cẩm Vân và 13 đồng phạm vừa bị Tòa Quân sự Quân khu 7 xét xử về các tội Mua bán, Tàng trữ trái phép chất ma túy; Tàng trữ, Mua bán tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trí bị phạt án tử hình; nộp lại số tiền 34,3 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ việc mua bán ma túy; nộp phạt bổ sung 400 triệu đồng. Theo hồ sơ vụ án, năm 2017, khi đang là đại úy Phòng Tham mưu, Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh, Trí chung vốn mở công ty nhưng làm ăn thua lỗ, nên nảy sinh ý định mua bán ma túy để lấy tiền trả nợ và tiêu xài. Thông qua mối quan hệ xã hội, Trí móc nối với Bo và Kenny (người Việt, quốc tịch Pháp) để mua ma túy tổng hợp vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời. Cáo trạng xác định, từ tháng 10/2021-4/2023, Trí đã mua của Bo và Kenny tổng cộng 97 kg ma túy nguyên chất từ Pháp về với giá 29,6 tỷ đồng, bào chế thành 227 kg sản phẩm bán ra thị trường. Sau khi “hàng” được chuyển về Việt Nam, Trí thuê người nhận mang về cất giấu và chỉ đạo đóng ma túy rồi đem đi tiêu thụ. Để xác định chính xác hành vi của nhóm Trí, nhiều trinh sát phải túc trực giám sát 24/24 địa điểm nghi vấn, âm thầm bố trí camera quanh khu vực, sử dụng flycam theo dõi các di biến động, lấy mẫu giám định... Nhiệm vụ đặt ra là phải đánh sập toàn bộ đường dây này.
 
    Báo Gia Lai, Baomoi.com và một số báo (11/8) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp thông tin, tài liệu về 32 nhà máy điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố. Trong số 32 nhà máy bị điều tra, tại tỉnh Gia Lai có 4 nhà máy gồm: Nhà máy điện gió Hưng Hải (huyện Kông Chro), Nhà máy điện gió Cửu An (thị xã An Khê), Nhà máy điện gió Ia Le 1 (huyện Chư Pưh) và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (huyện Chư Prông).
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
 
    Các báo (05/8) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án tại Tập đoàn này. Hội đồng xét xử xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết đã chủ mưu, chỉ đạo nâng khống vốn Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên hơn 4.300 tỷ đồng và tuyên phạt bị cáo 21 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; cùng tội danh có 04 bị cáo bị tuyên từ 8 năm đến 14 năm tù (trong đó có hai em gái của bị cáo Quyết. Với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có 04 bị cáo bị tuyên từ 30 tháng tù treo đến 6 năm 6 tháng tù. Tội danh “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, bị cáo Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Giám sát Công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị tuyên phạt 36 tháng tù. Với 41 bị cáo khác, Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 15 tháng treo đến 7 năm 6 tháng tù các tội theo truy tố.
 
    Theo tin từ báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và các báo (05/8), Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên án đối với cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cùng các đồng phạm trong vụ án Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Quang Trí, cựu Giám đốc CDC tỉnh mức án 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội danh, Trần Thị Nguyên Hằng, cựu nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC tỉnh bị phạt 5 năm tù; Trần Thanh Mỹ, cựu Trưởng phòng Tài chính - Kế toán CDC tỉnh 4 năm tù; Đặng Minh Tuyết, cựu Phó khoa Xét nghiệm CDC tỉnh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Đinh Lê Lê Na, cựu nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á mức án 2 năm 9 tháng tù.
 
    Báo Tin tức và các báo (05/8) đưa tin, diễn biến điều tra của một số vụ án liên quan đến Tập đoàn Thái Dương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thị Như Loan (Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai). Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can, kết luận điều tra 01 bị can và đang điều tra 25 bị can còn lại với các tội danh: “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
 
    TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (06/8) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đưa ra xét xử lưu động vụ án “cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Vụ án có tới 111 bị cáo (ở 60 tỉnh, thành phố trên cả nước), 115 bị hại và 91 tổ chức, cá nhân được triệu tập tham gia. Đây là phiên tòa có số lượng bị cáo đông nhất từ trước đến nay tại tỉnh. Theo cáo trạng, từ ngày 01/01/2021-14/02/2023, Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng, cùng trú tại TP. Hồ Chí Minh lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật để ký hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ tiền tố tụng và tham gia khởi kiện tại tòa với 07 tổ chức tín dụng gồm: TPBank, OCB, Mcredit, Jivf, Shinhan, SHB FC, VID. Hai bị cáo chỉ đạo 20 trưởng nhóm và 579 nhân viên dùng nhiều thủ đoạn đòi nợ để đe dọa, uy hiếp tinh thần của trên 172.600 người vay, cưỡng đoạt số tiền hơn 456 tỷ đồng, được các đơn vị ký kết hợp đồng dịch vụ trả phí hơn 168 tỷ đồng. 
 
    Các báo (06/8) đưa tin, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-18D thị xã Sơn Tây 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Trang (vợ của Khang) 4 năm 6 tháng tù về cùng tội “Nhận hối lộ”. Liên quan đến vụ án, 07 bị cáo khác bị Tòa tuyên phạt các mức án từ 18 tháng tù đến 36 tháng tù nhưng đều cho hưởng án treo về các tội “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ”. Theo cáo trạng, để được đăng kiểm, các chủ phương tiện phải để một khoản tiền trong xe hoặc phải đưa tiền để được bỏ qua lỗi khi đăng kiểm. Khoản tiền này được chia theo tỷ lệ 60% cho vợ chồng Trang, 40% còn lại chia cho lãnh đạo Trung tâm, đăng kiểm viên và các nhân viên.
 
    Theo tin từ báo Nhân Dân điện tử, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN và các báo (06/8), tại phiên tòa xét xử đại án đăng kiểm, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị, với cáo buộc nhận hối lộ số tiền hơn 7,1 tỷ đồng, đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình từ 18-19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; mức án từ 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; tổng hợp hình phạt từ 23-25 năm tù. Đối với bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” với tổng số tiền là hơn 40 tỷ đồng, trong đó, bị cáo hưởng lợi 8,55 tỷ đồng; Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà mức án 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Vũ Hải, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông 4-5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Trần Lập Nghĩa, nguyên Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm 62-03D tại tỉnh Long An, 71-02D tại tỉnh Bến Tre, 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng, bị đề nghị từ 28-30 năm tù cho 3 tội danh “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” và “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”. Bị cáo Trần Văn Chủ, nguyên Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-03V từ 12-13 năm tù về tội “Nhận hối lộ” số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó bản thân Chủ được hưởng lợi hơn 360 triệu đồng. 249 bị cáo còn lại, bị đề nghị mức án từ 1-2 năm tù cho hưởng án treo đến mức án từ 23-26 năm tù.
 
    Các báo (07/8) đưa tin, Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vừa bắt giữ ông Bạch Biên Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột để điều tra do liên quan đến việc nhận tiền “chạy” công chức cho một người dân. Theo thông tin, năm 2023, ông Hòa được một người bạn trú tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar nhờ “chạy” để thành công chức Nhà nước với giá 250 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, dù không xin được việc cho bạn nhưng ông Hòa đã không trả lại tiền. 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN, Công an nhân dân, Người Lao động, Thanh niên, Lao động và một số báo (07/8) thông tin, Công an tỉnh Bình Dương quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Ngô Thị Thương, Kế toán trưởng một công ty trên địa bàn thành phố Thuận An về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định, Thương đã có hành vi gian dối làm giả 1 phiếu thay đổi dịch vụ SMS và 5 lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng trong tài khoản của Công ty.
 
    Báo Công lý, Thanh tra, VnExpress, Dân trí, Baomoi.com (07/8) đưa tin, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vì sao bị khởi tố. Sai phạm của bị can Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (bị khởi tố ngày 22/7/2024 về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”): Bị can Ngọc biết rõ Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện để cấp phép, nhưng vẫn đánh giá là đủ điều kiện và đề xuất, ký ban hành Giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên đất hiếm cho doanh nghiệp khai thác; dẫn đến việc gây thất thoát khoáng sản của Nhà nước, với trị giá ước tính trên 600 tỷ đồng. Hiện Cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra các vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
 
    Báo Người Lao động, Thanh niên, Dân trí, Tiền phong, Tuổi trẻ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Giao thông, Công an nhân dân và một số báo (07/8) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố bị can, bắt tạm giam Cao Thị Kiều Diễm, Trưởng Văn phòng Công chứng để điều tra về hành vi “Giả mạo trong công tác”, chứng thực mua bán xe khống nhằm trục lợi. Theo thông tin ban đầu, cuối năm 2019, Nguyễn Chí Thanh (ngụ huyện Cái Nước) mua các loại giấy mua bán, cho, tặng xe, hợp đồng mua bán được chứng thực khống với giá 100.000 đồng/hợp đồng; sau đó, Thanh điền khống thông tin, đề nghị Diễm công chứng cho mình hợp đồng mua bán đối với những xe không có người bán, người mua, không có giấy tờ tùy thân… Mỗi hợp đồng, Thanh đưa cho Diễm 100.000 đồng. Cơ quan Công an xác định, Diễm đã làm và cấp cho Thanh khoảng 70 hợp đồng khống.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, TTXVN và một số báo (08/8) đưa tin, Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Phan Văn Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực 3 thuộc Cục Thuế tỉnh Cà Mau để điều tra về hành vi làm thất thoát hơn 300 triệu đồng tiền ngân sách. Liên quan đến vụ việc, trước đó, Công an huyện Trần Văn Thời đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Chi cục Thuế khu vực 3. Tháng 11/2023, Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Hiền, Đội phó Đội thuế liên xã Chi cục Thuế khu vực 1 huyện Ngọc Hiển để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền thuế 3,7 tỷ đồng.
 
    Báo Dân trí, Dân Việt, Baomoi.com (09/8) đưa tin, tại Bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Bản án của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về “đại án Việt Á” tuyên buộc cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải nộp 2,25 triệu USD (khoảng hơn 51 tỷ đồng) sung công quỹ nhà nước và 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. Ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) phải nộp trên 4,6 tỷ đồng để sung công quỹ và 200.000 đồng án phí. Đến nay, 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh đã nộp đủ tiền thi hành án phần dân sự (gần 56 tỷ đồng), theo thông tin từ Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.
 
    Các báo (09/8) đưa tin, Công an thành phố Lạng Sơn triệt phá thành công, bắt tạm giam Phạm Việt Cường, trú tại quận Long Biên; Vũ Thị Loan, trú tại huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội và Trần Thị Liên Chi, trú tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh về tội mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Theo Cơ quan điều tra, các đối tượng đã sử dụng căn cước công dân giả hoặc căn cước công dân của người khác để thành lập doanh nghiệp “ma”, sau đó thực hiện hành vi mua bán hóa đơn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Từ tháng 7/2023-7/2024, các đối tượng đã thành lập trên 40 doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thành phố Lạng Sơn để mua bán trái phép hóa đơn; trong đó có 10 công ty không có hóa đơn GTGT mua vào nhưng xuất hóa đơn GTGT bán ra khống với tổng giá trị ghi trên hóa đơn hơn 11,3 nghìn tỷ đồng. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (05/8) đưa tin, các công tố viên cáo buộc ông Giovanni Toti, cựu Thống đốc vùng Liguria, Italia đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ban những đặc ân chính trị để đổi lấy tiền của. Theo quyết định bắt giữ, ông Toti bị buộc tội giúp đỡ các nhân vật địa phương để đổi lấy tiền tài trợ 4 cuộc bầu cử vào năm 2021 và 2022. Ông bị cho là đã nhận hơn 70.000 euro (76.615 USD) từ một doanh nhân trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến việc cấp hợp đồng nhà ga cảng, giấy phép xây dựng và nhượng bộ bãi biển. Giovanni Toti là người đã lãnh đạo Liguria trong 9 năm qua với tư cách là người đứng đầu liên minh của các đảng ủng hộ Thủ tướng Giorgia Meloni.
 
    VTC News, Baomoi.com (07/8) đưa tin, các điều tra viên tại thành phố Hoài Nam (tỉnh An Huy, Trung Quốc) đã bắt giữ Trương Đa, nhân viên nhà tang lễ quận Phan Tập vì “bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”. Hầu hết các nhà tang lễ ở Trung Quốc là những đơn vị độc quyền bị cho là “định giá không minh bạch và dịch vụ kém chất lượng”. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Trước đó, các nhân viên tại trung tâm tang lễ thành phố Bản Khê (tỉnh Liêu Ninh) cũng bị kỷ luật sau khi khách hàng cáo buộc vì yêu cầu “tiền bo” bất hợp pháp. Tại tỉnh Cát Lâm, Lục Vạn Quân, cựu Bí thư đảng và Giám đốc nhà tang lễ huyện Huy Nam đã bị tước tư cách đảng viên và chức vụ vì liên quan đến các dịch vụ tang lễ… 
 
    Báo Thanh tra (07/8) đưa tin, Nigeria: Biểu tình phản đối tham nhũng, lạm phát bất chấp lệnh cấm của Chính phủ. Tổng thống Nigeria Bola Tinubu kêu gọi người dân chấm dứt các cuộc biểu tình tại một số bang trước lệnh cấm của Chính phủ nhưng tình hình ngày càng nghiêm trọng ở trung tâm kinh tế Lagos và một số bang ở phía Bắc Nigeria. Các cuộc biểu tình gia tăng do người dân Nigeria phản đối lạm phát kéo theo khủng hoảng chi phí sinh hoạt kéo dài hàng thập kỷ, phản đối sự quản lý yếu kém và tình trạng tham nhũng của giới chức nhà nước với các khoản thu nhập khổng lồ, tương phản hoàn toàn với đời sống đói nghèo tăng cao của người dân.
 
    Trong tuần, đáng chú ý là thông tin:
 
    - Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Phiên thường kỳ của Bộ Chính trị;
    - Kỳ họp thứ 45 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
    - Tuyên án sơ thẩm các bị cáo trong vụ án tại Tập đoàn FLC;
    - Tuyên án vụ án xảy ra tại CDC tỉnh Đắk Lắk liên quan Công ty Việt Á;
    - Đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án đăng kiểm Việt Nam;
    - Phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn trên 11 nghìn tỷ đồng;
    - Tử hình cựu đại úy vì cầm đầu đường dây 227 kg ma túy.
Nguồn: https://noichinh.vn/
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập