Đổi mới phương thức tiếp nhận, xử lý đơn thư: Xu thế tất yếu trong xây dựng chính quyền số.
Thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu chung là xây dựng chính phủ số hiệu quả, phát triển kinh tế số và xã hội số, đưa Việt Nam bắt kịp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang được diễn ra mạnh mẽ; việc số hóa quy trình tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị của công dân không còn là lựa chọn, mà là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Sự cần thiết phải chuyển đổi số trong giải quyết đơn thư
Trong nhiều năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn: nhận thức của người dân trong thực thi pháp luật, trong việc xử lý, giải quyết đơn thư còn hạn chế; người dân phải đi lại nhiều lần, thủ tục còn nhiều tầng nấc, thông tin xử lý có lúc, có nơi còn thiếu minh bạch, khó theo dõi tiến độ và kết quả, gây tâm lý hoài nghi, bức xúc, phát sinh đơn thư vượt cấp, kéo dài.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, yêu cầu của người dân ngày càng cao về sự nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch. Việc tiếp tục xử lý đơn thư theo phương thức truyền thống sẽ không còn đáp ứng được kỳ vọng của xã hội hiện đại, đồng thời gây lãng phí thời gian, công sức, nhân lực của cả người dân và cơ quan nhà nước.
Hình ảnh: Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số tại các tỉnh thành, chính quyền địa phương
Trong tương lai, xu hướng hình thành hệ sinh thái số phục vụ công dân là điều tất yếu của yêu cầu phát triển. Công tác giải quyết đơn thư cũng không ngoại lệ, việc giải quyết đơn thư không chỉ đơn thuần là dừng ở việc tiếp nhận trực tuyến, mà là hình thành một hệ sinh thái số toàn trình phục vụ công dân. Những xu hướng chủ đạo có thể kể đến gồm: Tích hợp trợ lý ảo (AI) thông minh giúp người dân dễ dàng viết đơn, tra cứu, hỏi, đáp pháp luật, theo dõi tiến độ và được hỗ trợ 24/7; liên thông dữ liệu giữa các cơ quan để xử lý nhanh chóng, giảm tình trạng đùn đẩy, chậm trễ; thông báo minh bạch, kịp thời đến người dân qua nhiều kênh (email, SMS, app...). Đồng thời thông qua hệ thống có thể tự động phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để cảnh báo điểm nóng khiếu nại, dự báo nguy cơ phát sinh khiếu kiện tập thể; và tuyên truyền pháp luật, cảnh báo phòng ngừa vi phạm, giúp nâng cao ý thức chấp hành của người dân, giảm đơn thư phát sinh từ gốc…
Hình ảnh: Công dân đến gửi đơn phản ánh tại cơ quan nhà nước
Số hóa công tác giải quyết đơn thư không chỉ là cải cách hành chính, mà còn thể hiện một bước tiến trong tư duy phục vụ nhân dân, hướng tới một nền hành chính phục vụ. Khi người dân được tiếp cận một cách thuận lợi, minh bạch, an toàn thông tin, họ sẽ thêm niềm tin vào pháp luật và chính quyền, nhất là khi Đảng và Nhà nước ta đang triển khai tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, thực hiện sáp nhập mở rộng địa bàn, việc đi lại, di chuyển của Nhân dân đến cơ quan Nhà nước có những trở ngại nhất định. Việc đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm giải quyết đơn thư thông minh không chỉ là đầu tư cho công nghệ, mà là đầu tư cho lòng dân; và trong tiến trình xây dựng chính quyền số, đây là một mắt xích quan trọng không thể thiếu, cần sớm được tổ chức thực hiện.
Hoàng Văn Huy
Ban Nội chính Tỉnh ủy Lào Cai