MỘT SỰ THẬT NHỨC NHỐI
Lượt xem: 2054
“Một sự thật nhức nhối” là  bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; một trong tám bài viết về nội dung “rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa” thuộc Phần 2 cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh", bài viết được tổng hợp từ bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, số tháng 10/1987 với bút danh Trọng Nghĩa. Cổng thông tin Ban Nội chính Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
anh tin bai

Ảnh: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Trong bài Những việc cần làm ngay đăng trên báo Nhân Dân ngày 11/8/1987, đồng chí N.V.L. đã nêu hiện tượng có một số cơ quan và cán bộ công tác ở nước ngoài thích sắm và đi xe Tôyôta của Nhật là loại ôtô rất sang trọng và đắt tiền, có trang bị rađiô cátxét, máy điều hòa nóng lạnh, gọn nhẹ, hình dáng đẹp: mỗi chiếc phải mua với giá từ 7.500 đến 11.000 đôla, tương đương với toàn bộ số ngoại tệ của một huyện thu được do xuất khẩu lạc trong một năm... Hiện nay, khắp các tỉnh, thành cả nước, trong khi các xe hơi cũ dùng còn tốt hoặc có thể mua của Liên Xô cho rẻ, nhiều cơ quan, thủ trưởng vẫn cho sắm các xe con kiểu mới của Nhật, thậm chí cả Pơgiô 505 để đi lại cho oai, cho sang... Bài báo đã gọi “đây là một sự thật nhức nhối”!

Cuộc sống hiện nay đang có không biết bao nhiêu những hiện tượng nhức nhối kiểu như vậy.

Có những người cậy mình buôn bán, lắm của nhiều tiền, hợm hĩnh, thích phô trương, sĩ diện, ăn tiêu theo lối “ném tiền qua cửa sổ”. Người ta cưới vợ cho con tiêu tốn hàng trăm nghìn đồng, làm ma báo hiếu cho cha mẹ ăn uống linh đình mấy ngày ngốn hết hàng mấy tạ thịt, gạo. Có gia đình trong 3 ngày Tết đốt hơn 100 bánh pháo.

Có những người ỷ thế có nguồn cứu trợ từ nước ngoài hay có khoản hoa hồng “trời cho” nào đó, ăn chơi đập phá xả láng, lai rai nhậu nhẹt tối ngày. Qua những tiệm rượu, tiệm cà phê, có thể thấy tấp nập những người có máu “anh chị”, “chịu chơi”; họ xài toàn những thứ thiệt sang, thiệt quý. Bia phải bia hộp, rượu phải rượu tây, thuốc lá phải ga lăng hay ba số. Món ăn giò chả đối với họ chẳng lý gì, xoàng họ cũng phải dùng những thứ “đặc sản” khó kiếm. Một bữa ăn của một người tốn đến hàng mấy nghìn đồng...

Sống sang, ăn sang, tiêu sang, chơi sang đang thành cái mốt của không ít người. Kẻ lắm tiền đã vậy, người ít tiền cũng cố đua đòi, tập tọng “học làm sang”. Người ta ganh đua nhau, chỉ sợ mình mang tiếng là hèn kém, là “không chịu chơi”, là “tẩm”!

Cái bệnh sĩ diện, thích chơi sang lây lan vào cả một số cơ quan nhà nước, một số đơn vị kinh tế. Không ít nơi chạy vạy cố xây cho được những khách sạn sang trọng, những nhà văn hóa kiểu cách, những cửa hàng diêm dúa, lộng lẫy... tốn rất nhiều tiền, nhưng dường như chỉ để phô trương, “diễu võ dương oai”, hiệu quả sử dụng rất kém. Trong khi Nhà nước còn thiếu ngoại tệ để mua vật tư, nguyên liệu, phân bón, thuốc trừ sâu... Những thứ thiết yếu phục vụ sản xuất thì có cơ quan vẫn cứ dùng ngoại tệ, kể cả ngoại tệ mạnh, để mua sắm những thứ hàng tiêu dùng cao cấp chưa thật cần thiết hoặc những hàng xa xỉ, không phù hợp với điều kiện và túi tiền của mình. Đã có dạo rộ lên phong trào đi mua xe cúp, sắm rađiô cátxét, tivi màu, quạt hiện đại... Thậm chí có nơi dùng cả ngoại tệ để thuê nước ngoài... in lịch! Năm 1985, Liên hiệp công ty xuất khẩu Hà Nội (UNIMEX) đã nhập tới 4.612 chiếc xe Honđa (nhiều hơn mức cho phép là 412 chiếc) và 4.472 tivi màu (nhiều hơn mức cho phép là 472 chiếc). Ba huyện Từ Liêm, Đông Anh và Phúc Thọ (Hà Nội) đã dùng trên 27 nghìn đôla để mua 64 xe cúp phân phối cho cán bộ. Từ Liêm, Đông Anh đã sử dụng từ 70 đến 95% số ngoại tệ được thưởng để mua xe máy cho cán bộ chủ chốt. Phúc Thọ bán cả 100 tấn thóc thuộc quỹ dự trữ lương thực của huyện để trích tiền tạm ứng cho cán bộ chủ chốt mua xe máy.

Hiện tượng dùng tiền của của công để quà cáp biếu xén cho nhau, liên hoan chè chén, chiêu đãi, thù tiếp lẫn nhau, xảy ra khá phổ biến. Có những ông giám đốc, những vị bộ trưởng, thứ trưởng quanh năm mùa nào thức đấy, được các cấp dưới biếu quà, gửi tặng phẩm một cách trọng thị. Thôi thì ngày Tết, ngày lễ, ngày kỷ niệm thành lập xí nghiệp, thành lập ngành, mừng hoàn thành một ngôi nhà mới dựng, một công trình mới xây... cứ mỗi dịp lại một món quà có giá. Bộ Chỉ huy Quân sự Hải Phòng do Nguyễn Trường Xuân chủ mưu, trong vòng hai năm đã dùng hơn 4.226.000 đồng tiền mặt, 4 rađiô cátxét và nhiều loại hàng quý khác để làm “quà biếu” (mà thực chất là hối lộ) cho các cá nhân và cơ quan cần biếu. Riêng trong nội bộ, họ dùng cả xe cúp, tivi màu... làm “phần thưởng”, “tặng phẩm” (mà thực chất là chia nhau). Trạm kinh doanh thương nghiệp huyện Đại Lộc (Quảng Nam - Đà Nẵng) do một phần tử kém phẩm chất phụ trách, đã bất chấp các nguyên tắc quản lý kinh tế, dùng nhiều thứ hàng quý làm quà tặng cho các cán bộ lãnh đạo, làm thiệt hại của Nhà nước hơn 3 triệu đồng. Hạt kiểm lâm huyện chỉ có một số ít cán bộ, nhân viên, trong vòng một năm rưỡi cũng chi hết 650 nghìn đồng cho việc tiếp khách và chè chén. Xí nghiệp liên doanh nuôi trồng và khai thác chế biến hải sản xuất khẩu Vũng Tàu - Hà Nội trong hai tháng 6 và 7/1987 đã chi hết 456.123 đồng cho khoản quà biếu và tiếp khách. Nạn ăn uống chè chén khá lu bù. Báo Nhân Dân ngày 18/8/1987 cho biết, chỉ tính riêng 6 khách sạn ở Hà Nội (Giảng Võ, Ga, Đông Lợi, Phùng Hưng, Trần Quý Cáp, Long Biên) trong 6 tháng đầu năm 1987 đã có 166 bữa tiệc hội nghị, chi ăn hết 13 triệu đồng, bình quân gần 80 nghìn đồng một bữa, gần 1.000 đồng một suất ăn (tức là mỗi suất ăn tiêu tốn một khoản tiền tương đương với mấy tháng lương của một kỹ sư vừa hết thời gian thực tập). Nghe nói đó mới chỉ là những “bữa cơm hội nghị” loại bình thường hoặc loại xoàng. Ở nhiều nơi khác, khách sạn khác trong Nam còn có những bữa tiệc sang hơn, thịnh soạn hơn: có những bữa chiêu đãi, khách vừa được ăn nhậu thỏa thích, vừa được nghe nữ ca sĩ hát rất “mùi”... Thậm chí có ông giám đốc ngân hàng ra Hà Nội họp, nghỉ tại khách sạn Thăng Long cũng tổ chức chiêu đãi, có “ca sĩ” mà ông luôn mang theo. Nếu ai bớt thời gian thử tính xem một năm các địa phương, các đơn vị có bao nhiêu cuộc hội nghị, bao nhiêu buổi liên hoan, bao nhiêu lần tiếp khách (khách đến, khách đi, khách cấp trên, khách bạn hàng, khách kiểm tra, thanh tra, khách tham quan trao đổi kinh nghiệm, khách ban thi đua, khách nhà báo, khách trong nước và cả khách nước ngoài...), tổng cộng cả nước có bao nhiêu khách sạn phục vụ những cuộc tiệc tùng như thế, chắc sẽ không khỏi kinh ngạc, giật mình bởi những con số chi phí quá to, quá nhức nhối. Điều đáng nói là có những cán bộ cấp cao cũng phạm vào xa hoa, lãng phí. Có những vị ăn ở, đi lại quá cầu kỳ, kiểu cách và tốn kém. Ở thì rộng quá xa tiêu chuẩn với nhiều căn hộ, ở nhiều địa điểm khác nhau. Tiện nghi trang bị, mua sắm toàn những thứ sang trọng, đắt tiền. Có vị xây xong nhà cho mình lại xây luôn nhà cho con; xây thêm một công trình phụ hoặc “sửa chữa vặt” cũng tốn đến hàng chục vạn đồng. Hôm nay quét vôi màu này, ngày mai không ưng lại cho quét thay màu khác. Nhiều người tiêu xài quá đáng. Điện nhà nước họ cứ việc dùng, một tháng hết 4.000 - 5.000 số cũng không cần để ý. Rồi còn con cái, anh em thân thích. Con cái họ mặc toàn đồ sang, dùng toàn thứ quý, ăn uống đủ thứ của ngon vật lạ, còn hơn cả cuộc sống đài các của những cô chiêu, cậu ấm ngày xưa. Của cải ấy, tiền bạc ấy ở đâu ra? Chắc chắn không phải hoàn toàn do lao động chân chính của họ mang lại. Nhưng dù từ nguồn nào thì tất cả những của cải, tiền bạc ấy, xét cho cùng đều là mồ hôi, là nước mắt, thậm chí cả máu xương của đồng bào, chiến sĩ ta. Ai cho họ cái quyền được mặc sức tiêu xài phóng túng như vậy? Phải chăng họ cậy mình có quyền thế, có công lao, tự cho phép mình được vung phí của công, không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của nhân dân, quên mất cả thanh liêm đạo đức? Cái tệ sử dụng lãng phí xe con cũng đang khá nghiêm trọng. Theo báo Nhân Dân ngày 04/9/1987, hiện nay cả nước có hơn 50 nghìn xe con các loại, chiếm hơn 25% tổng số xe hiện có. Trên địa bàn Hà Nội có gần 4.500 chiếc, Thành phố Hồ Chí Minh gần 6.650 chiếc. Có nhiều trường hợp dùng xe không đúng quy định. Có những thứ trưởng giữ một xe như của riêng, một nhà tập thể có 2 thứ trưởng của cùng một cơ quan nhưng hằng ngày cứ phải có đủ 2 xe đưa đón riêng mỗi vị. Một số đồng chí không có tiêu chuẩn cũng cứ dùng xe con của công đi làm. Nhiều xe công được dùng vào việc riêng. Tổ chức một đám cưới cho con cũng phải có xe Vonga đưa đón dâu rể... Do việc dùng xe con bừa bãi như vậy cho nên rất tốn xăng dầu. Tính ra, số xăng dầu mà xe con dùng quá mức quy định đã làm lãng phí từ 50 đến 70 nghìn tấn trong một năm. Thử hỏi nếu cứ tiêu xài theo kiểu như thế thì tình hình rồi sẽ đi đến đâu? Tục ngữ ta có câu: “Miệng ăn núi lở”, “mưa dầm lâu cũng lụt” mà “đã lụt thì lụt cả làng”. Một nền kinh tế dù có vững vàng bao nhiêu, sản xuất đã phát triển như thế nào, nhưng nếu không tiết kiệm, cứ tiêu dùng hoang phí thì chẳng khác nào gió vào nhà trống, rốt cuộc của cải “vào lỗ hà ra lỗ hổng”, làm bao nhiêu tay không vẫn hoàn tay không. Không phải ngẫu nhiên mà các nước có nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân rất cao, người ta vẫn rất đề cao vấn đề tiết kiệm. Tiết kiệm đối với họ bao giờ cũng là quốc sách. Huống chi đối với nước ta, một đất nước phải chịu hậu quả nặng nề của mấy cuộc chiến tranh tàn phá ác liệt, hiện đang cần phải xây dựng nhiều thứ, trước mắt có thể lãng quên vấn đề tiết kiệm, chi tiêu một cách xả láng? Những người tự bỏ tiền túi của mình ra để tiêu xài lãng phí trong lúc đất nước còn nghèo và có nhiều khó khăn đã là thật nhẫn tâm, rất đáng phê phán. Những người lấy tiền của Nhà nước, của tập thể để chi dùng quá mức cho cuộc sống riêng của mình càng cần phải bị nghiêm khắc phê phán và tùy trường hợp phải bị xử lý thích đáng. Chúng ta không phản đối việc ăn ngon, mặc đẹp, ở rộng, đầy đủ tiện nghi, đi lại thuận tiện, dễ dàng; không bác bỏ cuộc sống sang trọng, đàng hoàng do thu nhập chính đáng bằng lao động của mỗi người đem lại; không đố kỵ với những người có điều kiện sống khá giả. Trái lại, sống sung sướng, hạnh phúc trong công bằng là mục đích của chủ nghĩa xã hội; chúng ta phấn đấu hy sinh là cốt làm cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ngày càng được sung sướng hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng chúng ta không thể đồng tình với những lối sống quá cầu kỳ, hợm hĩnh, quá cách biệt, xa lạ với đời sống chung của mọi người lao động, không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của đất nước. Đồng thời, chúng ta kiên quyết lên án những hành vi lợi dụng chức quyền tham ô, ăn cắp của công, làm lãng phí nghiêm trọng tài sản của Nhà nước và của tập thể để có cuộc sống xa hoa, phè phỡn. Mọi sự tiêu dùng lãng phí, xa xỉ không hề làm tăng thêm danh giá cho cơ quan hay cá nhân người nào. Trái lại, nó gây ra không biết bao nhiêu tốn kém, ảnh hưởng đến nền kinh tế - tài chính của nước ta, tạo ra một lối sống không lành mạnh trong xã hội ta, làm hư hỏng nhiều cán bộ, đảng viên và góp phần tạo ra sự cách biệt giữa cán bộ và quần chúng, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng.

Hoàng Huy (Tổng hợp)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập