Lào Cai xây dựng và phát triển theo lời Bác
Lượt xem: 287

 

 

Từ khi Đảng bộ tỉnh Lào Cai  được thành lập ngày 05 tháng 3 năm 1947, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Lào Cai hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc, hướng theo mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến nhân dân, trong đó có Lào Cai. Ngay những ngày đầu thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 18 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi “đồng bào yêu quí ở Lào Cai” thể hiện sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và lời động viên, tin tưởng của Người, đồng thời hiệu triệu đồng bào đoàn kết đấu tranh giải phóng, củng cố nền độc lập nước nhà. Năm 1958, vui mừng trước thành tích và những bước tiến bộ của tỉnh địa đầu Tổ quốc, trong các ngày ngày 23 và 24 tháng 9 năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Lào Cai. Người đi thăm mỏ Apatit, thăm công trường mỏ Cóc; thăm nơi ăn, ở, làm việc của công nhân, Người đã nói chuyện thân mật với công nhân mỏ; thăm người có công phát hiện ra mỏ Apatit; gặp gỡ các đại biểu dân tộc, các đại biểu phụ nữ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Ngày 24 tháng 9 năm 1958, tại Quảng trường Tỉnh ủy Lào Cai, Người đã thân mật trò chuyện với cán bộ đồng bào các dân tộc và cán bộ, bộ đội, công nhân tỉnh Lào Cai. Từ tháng 9 năm 1958 đến nay đã tròn 60 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai những lời dạy của của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ đường, dẫn lối cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong suốt chặng đường lịch sử.

 

 

 

Trong giai đoạn 1953 - 1975, Nhân dân Lào Cai cùng với cả nước thực hiện thắng lợi các phong trào cách mạng, nhiều cuộc vận động lớn như: tiễu Phỉ, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; đón nhận đồng bào các tỉnh miền xuôi  xây dựng, phát triển kinh tế miền núi; xây dựng hợp tác xã kết hợp cải cách dân chủ, cải tạo công thương nghiệp; vừa sản xuất vừa chiến đấu và chi viện cho cách mạng miền Nam, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, năm 1976 tỉnh Lào Cai được sáp nhập với tỉnh Yên Bái và tỉnh Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Sau 16 năm dưới mái nhà chung, cùng chung tay với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và tỉnh Nghĩa Lộ xây dựng tỉnh Hoàng Liên Sơn và đóng góp cùng cả nước vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, nhất là thực hiện nhiệm vụ của địa phương tuyến đầu Tổ quốc chống xâm lược năm 1979. Ngày 01 tháng 10 năm 1991 tỉnh Lào Cai được tái lập. Ngay sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai bắt tay vào xây dựng tỉnh Lào Cai tái lập trước muôn vàn khó khăn, thách thức với quyết tâm cao là vươn lên thoát khỏi đói nghèo để đổi mới và phát triển, phấn đấu xây dựng tỉnh Lào Cai xứng đáng là một tỉnh biên giới giàu mạnh của Tổ quốc, cuộc sống của nhân dân ấm no, hạnh phúc.                                                                                               

Những ngày đầu mới tái lập, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh hết sức khó khăn, kết cấu hạ tầng kỹ thuật thấp kém, giao thông đến tỉnh và từ tỉnh đến cơ sở rất khó khăn, 56/180 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã; quy mô nền kinh tế nhỏ bé, sản xuất hàng hoá hầu như không đáng kể, lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 184 kg/năm, 7/10 huyện, thị chưa có điện lưới quốc gia, thu ngân sách trên địa bàn cả năm mới đạt 39 tỷ đồng; trình độ dân trí thấp và không đồng đều, còn 17 vạn người trong độ tuổi mù chữ, 60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, 36 xã chưa có trạm y tế; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 680 nghìn đồng/năm, có tới 55% số hộ thuộc diện đói nghèo; 12 vạn người thiếu nước sinh hoạt, nhiều nơi thiếu nước sản xuất, đất canh tác; một số nơi phong tục tập quán nặng nề, lạc hậu cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội; an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp, hoạt động đối ngoại nhất là với tỉnh biên giới liền kề Vân Nam (Trung Quốc) chưa được khai thông... Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, nhất là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai qua các khóa đã đoàn kết, thống nhất cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai vượt qua khó khăn, thách thức nỗ lực phấn đấu vươn lên và đạt được những thành tựu hết sức cơ bản trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị. Do đó đã làm thay đổi diện mạo tỉnh Lào Cai một cách sâu sắc và toàn diện. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng bộ thành các chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với các đề án, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, trong từng nhiệm kỳ tỉnh đã xác định các chương trình trọng tâm hướng về cơ sở, vì cơ sở với tư tưởng chỉ đạo tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vùng cao làm chuyển biến tình hình ở các địa bàn khó khăn.

Từ điểm xuất phát kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp là chủ yếu, Lào Cai đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Nền kinh tế phát triển toàn diện, tăng trưởng nhanh cả về quy mô và tốc độ gắn với việc đẩy mạnh khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương, phát huy các nguồn lực; từng bước phát triển cả bề rộng và chiều sâu, nhất là sau thời điểm tái lập năm 1991. Trong những năm vừa qua, với những chủ trương, quan điểm, định hướng, lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự năng động, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; sự đồng thuận, đóng góp của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, sự hợp tác của các đối tác trong nước và quốc tế; các mục tiêu, nhiệm vụ của cấp ủy đề ra đã được triển khai tổ chức thực hiện thắng lợi, đạt kết quả toàn diện. Tăng trưởng kinh tế tỉnh duy trì ở mức cao, trung bình đạt trên 13%/năm; 6 tháng đầu năm 2018, Lào Cai có tốc độ tăng trưởng GRDP là một trong 9 tỉnh trong cả nước tăng trưởng 2 chữ số. Mô hình tăng trưởng kinh tế đã có sự chuyển đổi từ chiều rộng sang tăng trưởng hợp lý chiều rộng và chiều sâu. Bản sắc văn hóa các  dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy làm nên nét đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Lào Cai, đồng thời là những tiềm năng, thế mạnh cho kinh tế, du lịch của tỉnh phát triển. Chất lượng giáo dục, y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng cao. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Khoa học và công nghệ ứng dụng mạnh vào sản xuất và đời sống. Bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến tích cực, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Quốc phòng được củng cố, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng, phát triển, đi vào chiều sâu. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị; hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sâu sắc và bền vững hơn, là tỉnh dẫn đầu trong hợp tác hữu nghị, đối ngoại với các địa phương của Trung Quốc. Liên kết vùng được tỉnh quan tâm thực hiện tốt nhằm đáp ứng vai trò trung tâm giao thương kinh tế - xã hội, đối ngoại của vùng Tây Bắc, trung du miền núi phía Bắc; xây dựng Lào Cai thành cầu nối giữa Việt Nam, ASEAN và thị trường vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới; sáng tạo. Tổ chức cơ sở đảng được củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được chú trọng, từ 7 đảng viên khi mới thành lập, đến nay Đảng bộ tỉnh có Đảng bộ tỉnh Lào Cai có 15 đảng bộ trực thuộc tỉnh (trong đó có 01 đảng bộ cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở), với trên 42 ngàn đảng viên sinh hoạt tại 688 tổ chức cơ sở đảng. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn ở các cấp. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong cả hệ thống chính trị; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn xếp ở thứ hạng cao trong cả nước.

Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng Nhất; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.


 Tác giả: Nguyễn Văn Nhân - PTB, Ban Nội chính Tỉnh ủy
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập