Công tác Cải cách tư pháp 9 tháng đầu năm 2024 ​đã đạt được nhiều kết quả tích cực
Lượt xem: 669

9 tháng đầu năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, công tác cải cách tư pháp (CCTP) được quan tâm, chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Các cơ quan tư pháp thực hiện tốt công tác phối hợp trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (các cơ quan nội chính tỉnh ký kết Nghị quyết liên ngành số 05/2024/NQLN ngày 03/5/2024 về việc phối hợp trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ký Quy chế phối hợp trong công tác với 9/9 Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy; Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh ký Quy chế phối hợp với 6/9 Ban Thường vụ huyện ủy); thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, giám định tư pháp; tổ chức thành công Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh Lào Cai khóa VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 và Đại hội Đại biểu Hội luật gia tỉnh Lào Cai lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 - 2029; kịp thời kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh; tổ chức Đoàn công tác đi trao đổi, học tập kinh nghiệm về CCTP tại một số địa phương; chỉ đạo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác CCTP; Cục Thi hành án dân sự tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 49 - CT/TU ngày 28/8/2024 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh. Công tác giám sát của cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã chủ động ban hành chương trình cải cách tư pháp năm 2024 phù hợp với thực tiễn để triển khai thực hiện.

Các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia đóng góp ý kiến trên 300 dự thảo Luật, văn bản pháp luật đảm bảo có chất lượng; đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến công tác tư pháp và CCTP.

Các cơ quan tư pháp tỉnh thực hiện tốt công tác rà soát quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, vững mạnh theo tinh thần CCTP; quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ công chức gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức và có kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. 9 tháng đầu năm 2024, VKSND tỉnh: Cử 93 công chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của ngành, 22 công chức tham gia lớp tập huấn do VKSTC phối hợp với Trường ĐH Luật tổ chức. TAND tỉnh: Cử 07 công chức đi học lớp nghiệp vụ; 12 Hòa giải viên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Hòa giải viên; 01 công chức dự thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp, 02 công chức dự thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp; cử 21 lượt công chức tham gia Hội thảo, tập huấn. Cục Thi hành án dân sự tỉnh cử 47 lượt công chức đi đào tạo, bồi dưỡng.

Công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp của HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện 38 cuộc giám sát, khảo sát ( trong đó giám sát chuyên đề 15 cuộc); chỉ đạo thực hiện tốt việc theo dõi trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh, nhất là các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực tư pháp; Thường trực HĐND tỉnh thực hiện và duy trì lịch tiếp công dân định kỳ; quan tâm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Lũy kế từ 19/12/2023 đến ngày 19/9/2024, Thường trực, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh đã tiếp 133 lượt công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh; tiếp nhận và xử lý 91 đơn; giám sát hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh; thường xuyên theo dõi các hoạt động CCTP của Thành phố Lào Cai. UBMTTQVN tỉnh chỉ đạo MTTQ các cấp tiếp tục phát huy vai trò giám sát cơ sở, đã tổ chức 11 cuộc giám sát, trong đó MTTQ tỉnh tổ chức 02 cuộc; MTTQ cấp huyện tổ chức 09 cuộc; Ban thanh tra Nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức 442 cuộc giám sát (trong đó, Ban TTND giám sát 194 cuộc với 73 kiến nghị sau giám sát; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 248 cuộc với 115 kiến nghị sau giám sát).

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên quan tâm hỗ trợ kinh phí, đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ. 9 tháng đầu năm 2024, đã phân bổ tổng số 142,679 tỷ đồng; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tư pháp tổng số: 97,229 tỷ đồng. 

Các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp tích cực thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm văn bản điều hành trong công tác thống kê tội phạm, công tác quản lý án hình sự, dân sự, hành chính, hộ tịch, công tác tra cứu, xác minh, cấp phiếu lý lịch tư pháp, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…Đẩy mạnh và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ngày càng hiện đại, thân thiện với người dân.

Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thực hiện các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai Bên, đặc biệt là Bản ghi nhớ kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an hai nước lần thứ 7, 8. Tiếp tục duy trì 05 cơ chế hợp tác. Triển khai thực hiện các hoạt động trao đổi đoàn giữa Công an các cấp giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai (Việt Nam) và các tỉnh lân cận, giáp ranh Vân Nam (Trung Quốc). Tham gia cơ chế phối hợp tuần tra liên hợp ở khu vực biên giới, duy trì liên lạc qua “đường dây nóng” nhằm triển khai hiệu quả các cơ chế, hình thức phối hợp, phục vụ các hoạt động trao đổi đoàn (cấp tỉnh, cấp huyện).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCTP trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành còn kéo dài, chưa có biện pháp giải quyết triệt để; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành pháp luật; công tác thi hành bản án, quyết định hành chính ở một số địa bàn còn chậm, chưa dứt điểm, kéo dài; số lượng án hành bản án chưa thi hành xong còn nhiều; cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện, phương tiện làm việc của một số cơ quan, đơn vị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất phục vụ công tác điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án còn có khó khăn nhất là việc thi hành án tử hình.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ CCTP theo chương trình công tác năm 2024; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2024 và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh yêu cầu các cấp ủy, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; các cơ quan tư pháp tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ công tác năm 2024 đã đề ra, đánh giá kết quả đạt được của từng cơ quan, đơn vị để từ đó xây dựng chương trình công tác năm 2025 đảm bảo sát việc, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú; tăng cường công tác phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giải quyết kịp thời các vụ án trọng điểm và những vụ án dư luận xã hội quan tâm, hạn chế thấp nhất tình trạng án oan sai, bị hủy, sửa; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng TAND tỉnh, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh trong giải quyết các loại án; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu CCTP; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai, minh bạch; tiếp tục chỉ đạo rà soát và tổ chức thi hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí, bảo đảm các điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp; tăng cường rà soát, giải quyết các vụ việc, vụ án kéo dài; công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp./.

Thùy Liên
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập